[Kiến Thức] Xác Định Tình Trạng Đầu Gối Từ 5 Loại Âm Thanh Khác Nhau.

Sang Nguyen
Đăng ngày 26/03/2020
836 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích

Bạn có thường nghe thấy đầu gối phát ra âm thanh khi leo cầu thang hoặc ngồi xổm? Điều đó có phải là dấu hiệu đầu gối đã bị thoái hóa và cần bổ sung thêm thực phẩm chức năng không? Đừng vội vàng. Âm thanh phát ra từ đầu gối có thể được chia thành 5 loại, đại diện cho các loại nguyên nhân khác nhau. Nên tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh thì việc trị liệu mới có hiệu quả.

Khớp gối là một khớp rất quan trọng. Tất cả các hoạt động như đứng, ngồi, ngồi xổm, đi bộ, nhảy aerobic, tập tạ, vv, hầu như đều sử dụng đến khớp gối. Do đó triệu chứng đau đầu gối sẽ gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Bài viết này sẽ giới thiệu về cấu tạo và chức năng của khớp gối, đồng thời cũng muốn nhắc nhở mọi người phải luôn bảo dưỡng khớp gối để có thể sử dụng được lâu dài. Đừng đợi đầu gối phát ra âm thanh hoặc cảm thấy khó chịu mới bắt đầu chăm sóc, như vậy sẽ phải tốn rất nhiều công sức.



Giới thiệu về khớp gối

3 thành phần cấu tạo chính của đầu gối bao gồm: xương, mô mềm và cơ bắp.

3 thành phần chính
Bao gồm
Chức năng
Xương

•Xương đùi
•Xương bánh chè
•Xương ống chân
Xương mác

  • Khớp tibiofemoral (giữa xương đùi và xương chày) cho phép đùi và bắp chân di chuyển tự do.
  • Khớp xương bánh chè (giữa xương ống chân và xương đùi), có thể tạo thành một đòn bẩy giúp chân di chuyển dễ dàng hơn.
Mô mềm
  • Dĩa sụn (meniscus)
  • Dây chằng
  • Dĩa sụn làm tăng diện tích tiếp xúc giữa xương, giúp phân tán áp lực, và là một bộ phận chống sốc rất quan trọng.
  • Chức năng chính của dây chằng là ổn định khớp gối.

Cơ bắp
  • Cơ tứ đầu (đùi trước)
  • Cơ hamstring (đùi sau)
  • Cơ chày trước (tibialis anterior - trước bắp chân)
  • Cơ cơ sinh đôi cẳng chân (gastrocnemius - sau bắp chân)
  • Cơ bắp khỏe mạnh mới có thể bảo vệ khớp gối và hỗ trợ đầu gối khi vận động.

Nếu bất cứ 1 trong trong 3 thành phần chính cấu tạo nên khớp gối bị tổn thương, sẽ gây ra âm thanh lạ ở đầu gối. Nguyên nhân và âm thanh được phân thành 5 loại chủ yếu:

5 loại âm thanh phát ra từ đầu gối và nguyên nhân tương ứng

1. Không phát ra âm thanh nhưng đầu gối bị căng cứng

Khi di chuyển hoặc co duỗi, đầu gối có cảm giác bị vướng, không thể chuyển động trơn tru, nhưng không phát ra âm thanh; hoặc có triệu chứng sưng đỏ và đau, điều này có nghĩa là bạn thiếu tập thể dục! Do khối lượng cơ bắp không đủ, các cơ và khớp gần đầu gối trở nên cứng, dẫn đến chuyển động không suông sẻ. Cách tốt nhất là thường xuyên tập thể dục và kết hợp với chế độ ăn uống đủ chất để tăng cường sức mạnh cơ bắp.

2. Đầu gối phát ra 1 tiếng “cụp”

Nguyên nhân của hiện tượng đầu gối thỉnh thoảng phát ra một tiếng “cụp” là do khi khớp di chuyển, áp suất bên trong và bên ngoài không cân bằng, làm xuất hiện các bong bóng nhỏ bên trong. Tiếng “cụp” được gây ra bởi sự vỡ của bong bóng khí, thường xuất hiện khi co duỗi khớp gối đột ngột, gây ra sự mất cân bằng áp suất. Nếu nghe thấy âm thanh này, bạn đừng quá lo lắng. Nhưng nếu nó đi kèm với cơn đau, hãy nhớ đến bác sĩ càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân chính xác!

3. Tiếng lục cục liên tiếp

Khi vận động đầu gối phát ra âm thanh lục cục liên tiếp, có khả năng là quỹ đạo chuyển động của khớp đã bị lệch đi, khiến dây chằng mô mềm và gân phải dịch chuyển vượt qua xương và các bề mặt không bằng phẳng khác, tạo ra âm thanh lạ. Những người gặp phải triệu chứng này phải tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ. Nếu không, trong một thời gian dài, các mô mềm sẽ bị ma sát quá mức dẫn đến sưng viêm, làm tăng nguy cơ bị viêm khớp.

4. Tiếng lạo xạo

Nếu đầu gối phát ra tiếng lạo xạo, rất có khả năng rằng khớp gối đã làm việc quá sức và các sụn xung quanh đã bị bào mòn. Nếu triệu chứng đi kèm với khó chịu hoặc thậm chí đau đớn, lời khuyên là bạn nên đến bác sĩ để tìm ra chính xác vị trí nơi sụn bị mài mòn, để có thể có phát đồ điều trị hiệu quả.

5. Tiếng lắc rắc

Khi co duỗi chân, đầu gối phát ra âm thanh lắc rắc hoặc đau trước đầu gối, hoặc cảm thấy đầu gối đau dữ dội lúc đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm một lúc lâu, đây có thể là triệu chứng nhuyễn sụn xương bánh chè. Xương bánh chè nằm ngay trước đầu gối, có chức năng như một ròng rọc để giúp các cơ trước của đùi uốn cong hoặc duỗi thẳng. Do đó, khi lớp sụn giữa xương bánh chè và xương đùi bị bào mòn quá mức, sẽ dễ gây ra tình trạng nhuyễn sụn xương bánh chè. Những nguyên nhân khác gây ra triệu chứng này có thể kể đến sức mạnh cơ bắp không đồng đều, tư thế tập luyện không đúng, béo phì, cường độ luyện tập quá nhiều... Nếu gặp phải các triệu chứng tương tự, bạn nên ngừng tập thể dục và tìm cách điều trị y tế ngay lập tức, để các triệu chứng sẽ không tiếp tục xấu đi.


Bất kể đầu gối phát ra loại âm thanh nào, để ngăn ngừa thoái hóa đầu gối, điều quan trọng nhất là phải duy trì bảo dưỡng đầu gối hàng ngày. Bài viết sẽ giới thiệu cho các bạn 4 bài tập hỗ trợ đầu gối hiệu quả.


4 động tác hỗ trợ đầu gối

Động tác 1: Xoa bóp đầu gối

1. Ngồi xuống và co đầu gối lên. Đặt kẽ tay giữa ngón cái và ngón trỏ lên phần nhô lên cao nhất của đầu gối, sau đó vuốt về phía bên dưới. Dùng ngón cái và ngón trỏ cảm nhận vùng lồi lõm bên trong và ngoài của đầu gối, tức là huyệt bên trong và bên ngoài đầu gối.

2. Nhẹ nhàng xoa bóp các huyệt đầu gối bằng ngón cái và ngón trỏ. Mỗi lần khoảng 10 giây. Mỗi tổ hợp 3 lần. Mỗi buổi sáng và tối có thể thực hiện 2 tổ hợp.

(Nguồn ảnh: World GYM)

Động tác 2: Tư thế ngồi căng mắt cá chân

1. Ngồi trên thảm yoga, hai chân duỗi thẳng về phía trước, ngón chân hướng lên và hai tay đặt nhẹ ở hai bên để ổn định cơ thể.

2. Mở hai bàn chân sang trái và phải, sau đó hướng ngón chân về phía trước, cuối cùng trở về vị trí ban đầu. (Như dùng bàn chân vẽ một vòng tròn).


(Nguồn ảnh: World GYM)

Động tác 3: Nâng chân khi ngồi

1. Ngồi trên ghế hoặc bục cao, sao cho chân có thể uốn cong khoảng 90 độ, hai tay chống hai bên cơ thể, có thể nhẹ nhàng nắm vào thành ghế.

2. Hít sâu vào, khi thở ra từ từ nhấc một chân lên, chiều cao phải xấp xỉ song song với mặt đất, ngón chân hướng lên, đầu gối duỗi thẳng nhưng không cần căng cứng. Giữ tư thế đó trong 1 lúc, sau đó từ từ trở về vị trí bắt đầu. Duỗi chân từ 4 đến 6 lần, sau đó đổi bên.

(Nguồn ảnh: World GYM)

(Nguồn ảnh: World GYM)


Động tác 4: Tập squat dựa tường - Wall-sit.

1. Lưng áp sát tường, gót chân cách tường khoảng nửa bước, sau đó từ từ ngồi xuống, sao cho đùi và bắp chân tạo thành một góc khoảng 90 độ, vị trí đầu gối không vượt quá ngón chân, hai tay để tự nhiên trên đùi.

2. Nâng hai tay lên, lòng bàn tay hướng về phía trước, giữ tư thế trong 3 đến 5 giây, sau đó rút tay lại, từ từ trở về vị trí ban đầu và lặp lại động tác. Mẹo: Giữ nhịp thở tự nhiên trong suốt quá trình luyện tập.

(Nguồn ảnh: World GYM)

(Nguồn ảnh: World GYM)


Giải đáp thắc mắc về bảo dưỡng đầu gối

Giải đáp được những thắc mắc về vấn đề chăm sóc đầu gối sẽ giúp bạn không tốn nhiều tiền cho thực phẩm chức năng. Nhưng nếu tình hình vẫn không cải thiện, hãy kiểm tra những kiến thức về bảo dưỡng đầu gối của bạn có thực sự chính xác hay chưa.

1. Bơi lội là môn thể thao phù hợp nhất?

Bơi lội thực sự phù hợp với những người bị đau đầu gối. Vì trong nước có sức nổi, áp lực lên đầu gối sẽ tương đối nhỏ. Nhưng nếu đầu gối của bạn khỏe mạnh, ngoài bơi lội, bạn còn có thể tập luyện miễn là với cường độ phù hợp, động tác chính xác, sẽ giúp bạn tăng sức mạnh cơ đầu gối và duy trì sức khỏe cho đầu gối!

2. Chỉ cần lựa chọn hoặc tập aerobic hoặc tập gym?

Tập aerobic và tập gym cần phải được tiến hành cùng 1 lúc. Vì tập aerobic có thể đốt cháy chất béo, giúp giảm trọng lượng cơ thể, từ đó giảm được tải lực lên đầu gối. Tập gym có thể tăng cường sức mạnh cơ bắp, từ đó khớp gối sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng phải khởi động đầy đủ trước khi tập thể dục, cường độ luyện tập nên tăng từ từ, tránh tập nhiều những bài tập với cường độ cao, nếu không sẽ dễ bị chấn thương thể thao.

3. Glucosamine có hiệu quả không?

Mặc dù bác sĩ sẽ không ngăn bạn sử dụng glucosamine, nhưng bạn cũng nên biết rằng glucosamine không có tác dụng lớn trong điều trị các vấn đề về đầu gối. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân gặp phải triệu chứng viêm khớp vừa hoặc nặng, kết hợp sử dụng glucosamine và chondroitin có thể giúp giảm đau. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, bệnh nhân tiểu đường, tăng nhãn áp, hen suyễn và bệnh nhân trước và sau phẫu thuật được khuyến cáo không sử dụng glucosamine.


Lời Kết

Để bảo dưỡng đầu gối, việc tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ ăn uống cân bằng là rất cần thiết. Uống nhiều vitamin C, D và protein để thúc đẩy sản xuất collagen sẽ có tác dụng bảo vệ sụn. Ngoài ra, bổ sung đủ lượng nước hàng ngày cũng sẽ giúp khớp luôn được duy trì bôi trơn.


Nguồn bài viết: World GYM Blog